- Hotline : 0988.780.166
- Cơ sở 1:
02363.741.666 - 02363.727.927 - Cơ sở 2:
02363.551.951 - Cơ sở 3:
02363.758.777 - Cơ sở 4:
02363.575.777 - Cơ sở 5 :
02363.777.877
Học nghề sớm sau khi tốt nghiệp THCS để tránh lãng phí nguồn nhân lực
Có nên học nghề sớm sau tốt nghiệp THCS? Tại các nước phát triển như Đức, Nhật…,theo học nghề sớm là lựa chọn được nhiều gia đình ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Tại Nhật Bản, mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 để có kỹ sư thực hành rất thành công. Học sinh học ra trường 100% có việc làm với thu nhập cao.
Lãng phí nguồn nhân lực do không phân luồng sớm THCS
Xã hội Việt Nam hiện nay đang lãng phí rất lớn khi có hàng trăm ngàn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp, mà đi làm những công việc lao động phổ thông không qua đào tạo nghề nghiệp. Nếu lực lượng được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ có thêm được đội ngũ lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.
Những năm gần đây việc phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân luồng tốt sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Trong thời gian học trung cấp, học sinh được học thêm chương trình văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. Thời gian đào tạo được thiết kế đảm bảo phù hợp với quy định của Luật GDNN, các điều kiện đảm bảo chất lượng và giảm tải cho người học.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có những giải pháp và cách làm để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn người học như: miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội, học theo chế độ cử tuyển, người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài…
Có nghề là có việc, có việc là ổn định tương lai
Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, 2017 là năm đầu tiên giáo dục nghề nghiệp đạt 100,2% chỉ tiêu tuyển sinh, so với kết quả tuyển sinh rất thấp của những năm trước đó. Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã có kết quả tuyển sinh vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt trên 70%, trong đó nhiều ngành công nghệ, kỹ thuật, du lịch... có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt gần 100%. Nhiều trường đã cam kết đảm bảo việc làm cho người học với mức thu nhập khởi điểm từ 5 - 7 triệu đồng. So với giáo dục đại học, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành của giáo dục nghề nghiệp là cao hơn hẳn.
Hiện nay, hệ thống GDNN trên cả nước có gần 2000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp đào tạo nhiều ngành, nghề khác nhau ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam chủ yếu trong các nhóm ngành, nghề Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; ngoại ngữ; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp...
Công tác tư vấn và giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế
Hướng phân luồng và đối tượng phân luồng rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế tại các trường THCS, người trực tiếp làm công tác tư vấn và giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh lại là giáo viên chủ nhiệm, những người kinh nghiệm về tư vấn và kiến thức về phân luồng chưa thực sự thành thạo.
Điều này có thể đã gây nên một số hiểu lầm về việc trọng thành tích khi giáo viên tư vấn cho học sinh có năng lực học tập trung bình không tham dự kỳ thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập.
Nếu việc tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp THCS được thực hiện bài bản, khéo léo và chuyên nghiệp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Học sinh sẽ nhận thức rõ được năng lực của bản thân, từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp, tránh được những căng thẳng, áp lực về tinh thần khi đối mặt với một kỳ thi vào lớp 10 công lập đầy cam go.
Chẳng hạn, để tiếp tục học chương trình trung học phổ thông, các gia đình cũng có thể lựa chọn các trường ngoài công lập - những cơ sở đào tạo hầu như không tổ chức thi tuyển, mà chỉ xét tuyển qua hồ sơ học bạ.
Điều này khá phù hợp với các gia đình trung lưu, con được học tập tại môi trường có cơ sở vật chất tốt, tránh được áp lực thi cử mà vẫn có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, thỏa mãn tâm lý truyền thống "có tấm bằng tốt nghiệp dắt lưng".
Đối với các gia đình điều kiện kinh tế không được khá, thêm vào đó năng lực học tập của con có hạn thì có thể lựa chọn cho con theo hướng học trung cấp nghề. Sau khoảng thời gian 1-2 năm, học sinh sẽ có bằng trung cấp nghề, tiếp tục liên thông khoảng 1,5-2,5 năm, học sinh sẽ có bằng cao đẳng.
Như vậy sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề tầm 18 tuổi, học sinh đã có bằng cao đẳng và đã có thể tham gia thị trường lao động. Việc học liên thông lên cao đẳng, đại học được thực hiện khi học sinh học đủ số giờ các môn văn hóa (toán, lý, hóa, văn) theo quy định.
Lộ trình này rất hiệu quả và hữu ích vì vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm kinh phí, góp phần lớn vào sự thành công của đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" của Chính phủ.
Xem thêm : >> Học ngành trung cấp nghề nào để phát triển tương lai tại Đà Nẵng
Tổng hợp